Xuân Yến
Chương 31 : Tín đắc nguyệt sơn mai chi (1)
Ngày đăng: 00:56 19/04/20
Cô kể, có khi đang
mơ thì choàng tỉnh, trong cơn ngái ngủ, tưởng đâu vẫn ở quán trọ gia
đình Naya. Kiến trúc kiểu thực dân đã có lịch sử cả trăm năm, nhà hai
tầng bằng gỗ trắng, cửa lớn cửa sổ lá sách màu lam tro. Đi xuống cầu
thang, phòng khách có quầy lễ tân, sàn lát đá mài, đèn chùm pha lê,
những bức ảnh xưa, tủ kính bày đầy đồ cổ và sản phẩm thủ công mĩ nghệ.
Vườn hoa sau nhà có một cây rum, xuân nào cũng đơm chi chít hoa đỏ, phủ
đầy mặt đất như tàn tích của những ngọn lửa.
Căn phòng họ
thuê dài hạn ở mé trái tầng hai, trần nhà rất cao. Đồ dùng bằng gỗ tếch, thấp, màu nâu, trang trí lá sách, sàn nhà gỗ lim cũ nát, lau sạch để đi chân đất. Quạt trần màu xám khói, khi quay phát tiếng ken két, làm
chiều mùa hè như dài mãi ra.
Quán trọ nằm ngay mặt phố,
gần đường lớn, gần sông gần chùa chiền, có thể nghe thấy đủ mọi âm thanh trầm bổng. Xe máy xe đạp chạy qua, những ngôn ngữ khác nhau, chó sủa,
người hét, chim hót, lá cây xào xạc trong gió, mưa... nguồn âm thanh ri
rỉ loang rộng, lần lượt nối tiếp hoặc thay thế nhau.
Cửa
sổ lá sách điều tiết ánh sáng của căn phòng, làm không khí trong trẻo.
Ánh sáng lọt vào qua khe cửa, tãi những vệt sáng lốm đốm nhảy múa trên
đường. Một thứ ảo ảnh nào đó khiến căn phòng mờ tối say ngủ bỗng khẽ
khàng dịch chuyển, xoay tròn. Ngủ ở gian phòng dành cho khách này giống
như ngũ giữa trung tâm thế giới, ngủ trên chiếc thuyền chở khách dập
dềnh nơi mặt biển dồi sóng, ngủ trong một cái chợ lộ thiên ồn ào náo
nhiệt. Với người vốn nhạy cảm từ nhỏ như cô, trạng thái này thật mê
hoặc.
Thành cổ Luang Prabang. Một tiểu thành thanh tịnh
thuần phác, làng mạc nằm giữa vòng ôm của núi cao và sông sâu. Hơi nóng
trong kí ức, nắng đổ bỏng rãy của mùa hè. Đến mùa mưa, hơi nước ẩm ướt
quẩn quanh. Có cảm giác khí hậu nhiệt đới làm nhòe mờ ranh giới về thời
gian. Bắt đầu từ năm tuổi, cô dừng chân lại đây cùng Trinh Lượng. Coi
như một cứ điểm. Xuất phát đi Thái Lan, Việt Nam, Bhutan, Nepal, nói
chung là cả khu vực Đông Nam Á, cuối cùng lại quay về chốn này nghỉ
ngơi.
Wat Xieng Thong là một ngôi chùa nhỏ, nhưng lại là
thiên đàng hoa lệ của cô thời thơ ấu. Mái cong uốn vào trong mây, vút xa như cầu vồng. Tường có bích họa, phần lớn lấy đề tài sự tích tôn giáo,
khi bắt nắng, màu sắc sặc sỡ hắt ra từ những vụn lưu ly óng ánh, chụm
thành một chuỗi hình ảnh: nông dân, hổ, báo, khỉ, hoàng đế, thị nữ,
ruộng đồng, ngô, nhà tranh, cây chuối, dòng sông, Bồ tát... Những bức
bích họa này đã trở thành thắng cảnh mà cô thuở nhỏ nằm mộng đặt chân
vào.
Một pho tượng Phật bằng đá đặt bên lối đi, ngồi kiết già, hai tay chắp vào nhau, cằm hạ xuống, khuôn mặt đọng nụ cười thâm
trầm khó tả. Sư trong chùa đã dựng một khung hương, hoa tươi và nước
trong. Khác với quần thể tượng tôn quý cao vời trong điện thờ, pho tượng này toát ra hơi hướm thế tục, nhưng vẫn có phong vị siêu thoát riêng.
Trinh Lượng không theo đạo, nhưng khi quỳ xuống lễ Phật, bà đều buông bỏ thái độ kiêu hãnh ngạo nghễ và tỏ rõ tấm lòng tin phục.
Hai chuyện có ấn tượng sâu sắc.
Tinh mơ hôm nào cũng nghe tiếng chuông chùa vọng vào qua cửa sổ, trời
sáng rõ, tiếng chuông thấm cả vào tim phổi. Nhà sư bưng bát hóa duyên,
mặc cà sa quét đất màu vàng cát, để lộ một bên vai, đứng thành một hàng. Thí chủ đã đợi trên đường, đặt cơm nếp và thức ăn vào bát. Trinh Lượng
bảo cô đứng vào hàng ngũ đó, cảm nhận sự bình đẳng chân thành giữa cho
và nhận, dùng nghi thức bố thí và cảm ơn để khởi đầu một ngày.
Tối xuống, theo chân Trinh Lượng, cô đến khu vực gần hoàng cung học các
điệu nhảy truyền thống của người bản địa. Tơ trúc dìu dặt réo rắt, pha
lẫn tiết tấu trầm bổng khoan nhặt. Tâm trạng linh hoạt hài hòa, không
vướng bận đua tranh cõi tục. Khoác lên mình chiếc váy ống, búi gọn tóc,
gài trâm và hoa tươi, cử động bàn tay, ngón tay và chân theo những vũ
hình tao nhã. Trinh Lượng thích xem biểu diễn. Bà say mê âm nhạc và vũ
đạo của mọi địa phương mà bà đặt chân đến, say mê cuộc sống thường nhật
của họ.
Mỗi lần nhảy múa lại đi qua chợ đêm Luang
Prabang. Yến tiệc linh đình sống động. Những chiếc lều nhỏ dựng san sát
kéo dài tăm tắp cả con phố. Mọi người quên bẵng khu cung đình biểu tượng quyền lực và đấu đá ở ngay gần đó, chỉ cần một nơi an ổn. Đèn lửa nhấp
nháy yếu ớt trong trời đêm, đám đông thư thả hoặc đi hoặc dừng. Phụ nữ
địa phương ẵm con bày hàng, đứa trẻ bú sữa, thiếp ngủ trong lòng mẹ.
Hàng hóa trong các lều vải không khác biệt nhau lắm, chênh lệch có chăng chỉ ở những chi tiết nhỏ nhặt. Chợ đêm sáng trưng yên tĩnh, kéo dài cho đến tận khuya.
Một ngày kết thúc, tấm màn sân khấu được
kéo ra hằng tối tượng trưng cho nền tảng và bản chất của sinh mệnh: làm
việc, nghỉ ngơi, ăn uống, chơi đùa, rảnh rang, lặp đi lặp lại, cứ thế
cho hết một đời.
2
Khu thành cũ thích hợp cho thiếu nhi vui chơi. Trời nóng hầm hập, người lớn và trẻ nhỏ lui tới trên đường đều ở các nơi khác đến tìm niềm vui yên
không trăng sáng tìm hiểu sự uyên áo của ngân hà, đồng thời cũng thích
thú với con mèo hoang lững thững trong rừng trúc, hoa ưu đàm trắng nở
bừng trên hiên đêm, đom đóm đậu nghỉ giữa lùm hoa bóng nước. Chạy dưới
mưa, tìm nấm trong rừng rậm chẳng có đường mòn, cởi quần áo vẫy vùng
cùng nước hồ mênh mông. Và cả váy phồng, âm nhạc, thi ca, đọc sách, vẽ
tranh, xem phim, du lịch. Khát khao kết bạn, mở đường tình cảm.
Quen chân trần trèo cây, treo một chiếc xích đu buộc bằng dây mây giữa
những thân hòe to cao. Đan bồ công anh làm vòng tay, tết nhành liễu
thành vòng nhỏ. Nhuộm móng tay chân bằng nước ép hoa bóng nước. Ăn cánh
đỗ quyên tươi, nhai cành xoan hôi non mềm. Tán phấn trắng lên vùng giữa
chân mày và mí mắt, như mặt nạ tuồng.
Cô theo Trinh Lượng
phiêu du khắp nơi. Nếu ở thành phố, sẽ được cắp sách đến một trường dân
lập. Nếu ở vùng xa xôi hẻo lánh thì ngưng học hành, trừ nhận mặt chữ và
tập đọc. Thời gian còn lại đều để trải nghiệm thực tế: đường sá gập
ghềnh, ăn ở đi lại, quan sát tiếp xúc với ngôn ngữ văn hóa con người khí hậu thực vật của các vùng miền khác nhau. Mở hết mọi giác quan, hấp thu tất cả. Trinh Lượng luôn cởi mở với cô. Bôn ba phiêu bạt, lang thang
đây đó, chứng kiến những sự vật hiện tượng không tài nào tin được. Họ
vừa náo nức tò mò, lại vừa điềm nhiên bình thản với mỗi vùng đất đi qua, sẵn sàng giã từ, lại cũng sẵn sàng nấn ná.
Cô nói, chắc
hẳn lối sống của con người ta định hình từ thuở ấu thơ, bởi ngay từ hồi
ấy tôi đã rất phóng khoáng cởi mở. Trinh Lượng và tôi, tuy là hai cá
thể, nhưng không hề tách biệt hay khép kín. Thực tế chúng tôi luôn mở
rộng lòng mình với mọi người và với các hành trình.
Vì
thế. Năm mười ba tuổi, cô không phải là tờ giấy trắng chưa mang dấu tích vạch vẽ nào nữa, mà là chất lên men sau thời gian dài di chuyển và ăn ở tạm bợ. Không được đào tạo bài bản, nhưng thành thạo ngôn ngữ vá cách
thức biểu đạt của nhiều vùng miền khác nhau. Không máy móc duy trì bất
cứ một quan điểm cố định nào về thế giới. Cảm thấy quan hệ biện chứng
giữa hai mặt trái phải và tính đối lập mâu thuẫn trong mỗi sự vật đều là hợp lý.
Cô được gửi tới một trường dân lập ở Lâm Viễn. Từ nhỏ cô đã có một cái tên tiếng Anh, Fiona, phát âm gãy gọn đẹp đẽ, là
do Trinh Lượng chọn cho. Bà tin rằng sự giao lưu văn hóa với nước ngoài
sẽ làm phong phú thêm khả năng cảm thụ của con trẻ. Cho cô học tiếng
Anh, còn thời gian thì học yoga, múa ba lê, trượt băng, bơi lội, dương
cầm, quốc họa, thư pháp... Vừa tiếp xúc và tận hưởng các lĩnh vực khác
nhau cho vui, vừa vun xới và hun đúc tâm hồn thông qua quá trình rèn
luyện.
Trẻ con trường này đều xuất thân từ gia đình khá
giả. Khi xuất hiện ở bữa tiệc đón học sinh mới, trên tóc cài một bông
thục quỳ, cô có cảm giác rất phi thực, thấy mình không ăn nhập gì với
xung quanh, hệt như một loài cá từ dưới sâu đại dương vừa nhảy vọt lên
khỏi mặt nước. Toàn thân ướt và tanh, dồi dào sức sống. Trên cổ là sợi
dây đỏ mà Trinh Lượng đeo cho từ nhỏ, xỏ qua một chiếc nanh chó bằng
bạch ngọc. Đã lên nước óng ánh. Đôi mắt một mí lạnh tanh, trong veo, đen láy. Ánh nhìn lạnh nhạt kiêu kì, hiếm khi nở nụ cười.
Trang Nhất Đồng mau chóng trở thành người bạn đầu tiên của cô. Cậu là
người trong vùng, lớn hơn cô một tuổi, say mê cô vô cùng. Cô biết mình
đã chinh phục được cậu. Sâu trong tâm hồn, cô là một thiếu nữ cô độc.
Cậu hỏi, Fiona, mẹ em là nghệ sĩ phải không? Trong lễ kỉ niệm thành lập trường, cậu đã trông thấy Tranh Lượng. Bà không chú ý ăn vận, đến dự
buổi lễ long trọng trong chiếc áo nỉ màu lam khói tự may, không trang
điểm, khuôn mặt gầy sắt se, tóc mai cài một bông thạch trúc màu trắng.
Thoáng trông cũng biết hai mẹ con họ là người vùng khác, đến ngụ cư ở
đây. Cô nói không, mẹ chỉ dệt vải thôi. Nhưng không định giải thích cụ
thể vì sao lại là dệt vải.
Cô thấy bố mẹ của các bạn học
quây lại chuyện trò rôm rả, riêng Trinh Lượng đứng một chỗ thờ ơ thong
thả nhìn đám đông. Cuối cùng bước ra khỏi cửa, tay cầm một ly sâm banh,
tay kia rút điếu thuốc cắm vào giữa hai hàm răng, châm lửa hút, không để bản thân phải khó xử. Từ nhỏ cô đã quen với hình ảnh một Trinh Lượng lẻ loi cô độc nhưng ung dung tự nhiên. Mẹ là nghệ sĩ ư? Cô không biết.
Trinh Lượng điềm tĩnh kiệm lời, chưa bao giờ để ý đến đánh giá bên ngoài hay người khác, cũng không sốt sắng lấy lòng đám đông. Công việc của bà có giá trị, nhưng đi ngược trào lưu, chỗ đứng nhỏ hẹp. Tuy thế, họ sống một cách thực sự. Đây là điều duy nhất mà Trinh Lượng chú trọng.
Thi thoảng, giữa họ nảy ra cuộc đối thoại như sau:
Tín Đắc, ở trường em chỉ cần tìm bạn để chơi cùng thôi. Thi cử điểm chác thế nào, đấy không phải là mục tiêu đi học.
Vậy sau này con không cần lo đến việc vào được trường đại học tốt, tìm được việc làm tốt hay sao?
Nếu đủ khả năng, đương nhiên em sẽ vào được trường tốt. Quan trọng là
em phải tự xác định xem có cần thiết không. công việc cũng vậy.
Từ giọng điệu của Trinh Lượng, cô nhận ra bà không hề bận tâm dù cô
trượt đại học hay thất nghiệp. Cô không muốn tương lai rồi giống mấy súc vải dệt của Trinh Lượng, đẹp đẽ mát mẻ đấy, mà hoàn toàn vô dụng với
thế gian. Lối sống lẻ loi trái khoáy này không hợp thời cuộc. Cô muốn
sưởi ấm mình bằng việc hòa nhập đám đông, cho dù chưa hiểu rõ phải đi
thế nào đi đến đâu. Trước hết gắng sức học hành, đáp lại tình bạn của
Nhất Đồng, bỏ công bỏ sức để bản thân được ấm áp. Cô nói, tôi chờ một cơ hội để được vào cõi người.